GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU MFN VỚI THÉP XÂY DỰNG TỪ 5-10%
Ngày đăng: 15/07/2021 -Thanhbinhhtc.com.vn – Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5% nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu nguồn này.
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016 vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét.
Theo nhận định của Bộ Tài Chính, giá thép xây dựng trong nước vừa qua liên tục tăng mạnh chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.
Bộ Tài chính nhận thấy mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối một số loại sắt thép xây dựng đã được áp dụng trong một thời gian dài với mức tương đối cao (lên đến 15%, 20% và 25%). Theo đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số loại sắt thép.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, sau cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam vào giữa tháng 5, Bộ đã gửi báo cáo Chính phủ kèm đề xuất giải pháp để “hạ nhiệt” giá thép trên thị trường, giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp sản xuất thép cũng như các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.
Tại Nghị quyết số 58 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 ban hành ngày 8/6, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp…
Đến ngày 29/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế nhập khẩu MFN chênh lệch lớn so với mức thuế theo các FTA, đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước.
TĂNG THUẾ XUẤT KHẨU PHÔI THÉP TỪ 0% LÊN 5%
Bộ Tài chính cho biết, theo chính sách hiện hành thuế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất của phần lớn mặt hàng phôi thép và thép xây dựng đang được áp dụng là 0%.
Cụ thể, theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 57/2020, thuế xuất khẩu được áp dụng đối với mặt hàng quặng sắt thuộc nhóm 26.01, có mức thuế xuất khẩu 40%, bằng mức trần khung thuế xuất khẩu.
Thuế xuất khẩu với mặt hàng phế liệu sắt thuộc nhóm 72.04 có thuế xuất khẩu 15-17% bằng với mức trần khung thuế xuất khẩu.
Thuế xuất khẩu với mặt hàng phôi thép thuộc nhóm 72.06, 72.07 (bán thành phẩm) có thuế xuất khẩu 0%, khung thuế suất thuế xuất khẩu là 0-40%.
Thuế xuất khẩu với mặt hàng thép xây dựng (thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15, 72.16) do không có trong danh mục khung thuế suất thuế xuất khẩu ban hành kèm Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nên mức thuế xuất khẩu áp dụng là 0%.
Trên cơ sở của chính sách hiện hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện theo phương án này sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.
GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU MFN VỚI THÉP XÂY DỰNG TỪ 5-10%
Về thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép (quặng, thép phế liệu), Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 57/2020 quy định mức thuế nhập khẩu là 0% hoặc thấp đối với nguyên liệu (quặng, thép phế liệu) để khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng này cho sản xuất trong nước, mức thuế suất cao hơn đối với bán thành phẩm (phôi thép), thép thành phẩm để khuyến khích sản xuất phôi, thép thành phẩm trong nước (thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép thấp hơn thép thành phẩm).
Đối với các mặt hàng thép trong nước không sản xuất được (ví dụ thép hợp kim) quy định mức thuế suất 0% hoặc thấp để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, việc nhập khẩu sắt thép từ các thị trường này sẽ thực hiện theo mức thuế suất FTA tại các Hiệp định.
Trong khi đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số mặt hàng thép xây dựng dạng thanh, quen thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 quy định tại Nghị định 57 là 15% hoặc 20%; thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 là 15%; một số loại thép tấm thuộc nhóm 72.10 là 20% và 25%.
Bộ Tài chính đánh giá, mức thuế trên cơ bản đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và được áp dụng để thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, các mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN này đã thực hiện trong một thời gian dài nên Bộ Tài chính cho rằng cần phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu mới, nhất là đối với các loại thép xây dựng hiện có mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN ở mức là 15%, 20% hoặc 25%, cao hơn đáng kể so với các mức thuế suất FTA theo các hiệp định mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, đến nay, ngành thép đã hoàn toàn tự chủ và đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước đối với phôi thép, thép xây dựng và một số loại thép tấm, đồng thời đã xuất khẩu được ra nước ngoài.
Trên cơ sở đó, để thực hiện Nghị quyết số 58 và Nghị quyết số 63 của Chính phủ và góp phần giảm giá thép nguyên liệu đầu vào, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng thép xây dựng.
Cụ thể, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế MFN đối với thép cốt bê tông thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 (mã HS 7213.91.20; 7213.99.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7214.20.51; 7214.20.61; 7215.50.91; 7215.90.10) từ 20% xuống 15%; đối với thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 (mã HS 7216.33.11; 7216.33.19; 7216.33.90) và thép có răng khía thuộc nhóm 72.13 (mã HS 7213.10.10 và 7213.10.90) từ 15% xuống 10%.
Điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng của nhóm 72.10 (HS 7210.41.11; 7210.41.91;7210.49.12; 7210.49.91; 7210.61.11; 7210.61.91; 7210.69.11; 7210.69.91) từ mức 20% và 25% xuống 15%.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có một số ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách Nhà nước nhưng mức ảnh hưởng dự báo không lớn do nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này hiện nay là không cao. Đây là những loại thép mà trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
“Việc điều chỉnh này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước, đồng thời, thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững”, dự thảo nêu.
Năm 2020, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đạt 9,8 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắt thép đạt 4,85 triệu tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, tăng 113% so với cùng kỳ. Sắt thép xuất khẩu tập trung vào nhóm phôi thép (bán thành phẩm) và thép xây dựng.
Năm 2020, nhập khẩu sắt thép đạt 13,3 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắt thép tăng cả về số lượng và kim ngạch, trong đó lượng nhập khẩu đạt 6 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,79 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ.
Cụ thể, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phôi thép xây dựng (quặng sắt và phế liệu sắt) năm 2020 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019 (đạt 2,7 tỷ USD). Trong 5 tháng đầu năm 2021 nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phôi thép tăng mạnh, đạt 2,5 tỷ USD.
Nhập khẩu phôi thép năm 2020 đạt 1,2 triệu USD, giảm 97,5% so với năm 2019 (47,9 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu phôi thép giảm mạnh chỉ còn 252 ngàn USD.
Nhập khẩu thép xây dựng năm 2020 đạt 67,1 triệu USD, giảm 40.8% so với năm 2019 (đạt 113,5 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu mặt hàng thép xây dựng đạt 25,5 triệu USD.
BizLive
Bài viết liên quan
- Đơn giá thi công nhà xưởng bằng khung thép tiền chế
- Định hướng quy hoạch ngành thép năm 2017
- Điện tăng, xăng tăng, giá sắt thép cũng tăng
- Để đảm bảo khách quan, Bộ Công Thương thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành thép
- Đầu tháng 2 : Việt Nam tiếp tục nhập siêu sắt thép
- Đầu năm 2017 sức hút từ lợi nhuận của ngành công nghiệp thép
- Đánh giá chất lượng thép để đảm bảo ngôi nhà vững chắc
- Đặc điểm, công dụng của thép U dập – Cừ dập:
- [CẬP NHẬT MỚI NHẤT] BẢNG BÁO GIÁ CÁT XÂY DỰNG HÔM NAY NĂM 2019
- Xuất khẩu thép mạ kẽm nhúng nóng của Mỹ trong tháng 8 tăng
- Xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 49,2%
- Xuất khẩu thép cây của Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ giảm mạnh ở Mỹ
- Xuất khẩu thép bán thành phẩm của Nhật giảm xuống 381.559 tấn
- Xu hướng giá thép đầu năm 2020 trong tình hình xảy ra Coronavirus
- Xe goong trong khai thác than trong lò tại mỏ than Nam Mẫu